Luật Trợ giúp pháp lý ra đời là hành lang pháp lý cơ bản đảm bảo quyền công dân đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng chính sách, trẻ em, đối tượng yếu thế trong xã hội...Trong đó, những Trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò quan trọng, họ được thực hiện đầy đủ các hình thức TGPL, tham gia tố tụng như luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý được thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng và trách nhiệm thực hiện TGPL là của toàn xã hội, trong đó các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đóng một vai trò hết sức quan trọng, đây là những chủ thể trực tiếp tiếp xúc với người đươc TGPL từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ án.
Vì vậy, ngày 29/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/ TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (viết tắt là Thông tư liên tịch số 10).
Theo đó, Thông tư liên tịch số 10 đã quy định rõ về thời điểm, nội dung và quy trình giải thích quyền được TGPL. Cụ thể, tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, lấy lời khai của đương sự, đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc tại thời điểm gửi thông báo thụ lý vụ án, thông báo thụ lý đơn yêu cầu, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chuyển cho họ đọc Bản thông tin về người được TGPL. Trường hợp họ không tự đọc được thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho họ biết.
Quy trình giải thích về quyền được TGPL được quy định rõ tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 gồm:
- Thứ nhất, Phát Bản thông tin về người được TGPL, khi tiếp cận với người bị buộc tội, người bị hại, đương sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phát cho họ Bản thông tin về người được TGPL để họ đọc hoặc thông báo cho họ biết trong trường hợp họ không tự đọc được.
- Tiếp theo, giải thích về quyền được TGPL: Trường hợp họ tự nhận mình là người được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được TGPL. Riêng trong tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đọc, hướng dẫn cụ thể nội dung và điền thông tin vào Biên bản giải thích về quyền được TGPL theo Mẫu số 02.
Quy định rõ quy trình thông báo, thông tin về TGPL trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Theo đó, trong tố tụng hình sự được chia làm 02 trường hợp:
+ Người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và có yêu cầu TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh để cử người thực hiện TGPL, đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, thông báo bằng văn bản đồng thời thông báo ngay bằng điện thoại.
+ Người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và chưa có yêu cầu TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh.
Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được TGPL theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện TGPL bằng văn bản thông báo.
Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc thông báo, thông tin về TGPL được thực hiện theo quy định như trong tố tụng hình sự, trừ trường hợp việc thông báo về TGPL không phải ghi vào biên bản tố tụng.
Với các quy định trên, sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phối hợp cung cấp, hướng dẫn thông tin về TGPL. Tăng cường cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với Trung tâm, Chi nhánh trong việc bảo đảm quyền được TGPL trong hoạt động tố tụng, tránh việc bỏ sót người thuộc diện được TGPL.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 10 còn quy định trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL; Quy định bổ sung trách nhiệm thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng đối với các cơ sở giam, giữ. Trách nhiệm của Cơ sở giam giữ phát qua các phương tiện truyền thanh băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về TGPL dạng âm thanh tại nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Với một số quy định bổ sung như trên nhằm bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo trong điều kiện bị giam, giữ được quyền tiếp cận với chính sách TGPL, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình./.
Ngọc Linh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn