SỞ TƯ PHÁP TỈNH TÂY NINH

https://sotuphap.tayninh.gov.vn


Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN năm 2022 (kèm phụ lục báo cáo quý 4)

Thực hiện Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ về quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Sở Tư pháp báo cáo tình hình, kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2022 như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC THANH TRA

Trên cơ sở Quyết định phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh Tây Ninh, Sở Tư pháp ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 của Sở Tư pháp, đồng thời đã triển khai thực hiện trong toàn ngành. Kết quả như sau:

1. Thanh tra hành chính

1.1. Việc triển khai các cuộc thanh tra: 02 cuộc.

1.2. Kết luận thanh tra:

- Tổng số cuộc thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra: 02 cuộc.

- Số đơn vị được thanh tra: 02 đơn vị.

- Phát hiện vi phạm:

+ Sổ công chứng hợp đồng giao dịch không đúng mẫu quy định và sử dụng sổ chứng thực chữ ký không đúng quy định.

+ Lời chứng của công chứng viên trong các hợp đồng, giao dịch không đầy đủ nội dung theo mẫu quy định.

+ Giải quyết hồ sơ xóa đăng ký hành nghề công chứng còn có trường hợp chưa đảm bảo trình tự, thủ tục.

+ Thực hiện cấp thẻ hành nghề công chứng không đúng theo quy định.

+ Không đề xuất Lãnh đạo Sở tham mưu UBND tỉnh thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng.

- Kiến nghị xử lý vi phạm: Xử lý vi phạm hành chính và tổ chức kiểm điểm cá nhân có liên quan.

1.3. Kết quả thực hiện kết luận thanh tra: Xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 tổ chức là 9.000.000 đồng, 01 cá nhân là 8.500.000 đồng và kiểm điểm cá nhân có liên quan.

1.4. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng: Không có.

2. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành

2.1. Việc triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra

- Tổng số cuộc thanh tra thực hiện: 05 cuộc.

- Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra:

+ Thanh tra chuyên ngành về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng;

+ Kiểm tra chuyên ngành về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản;

+ Kiểm tra chuyên ngành về tổ chức và hoạt động luật sư;

+ Kiểm tra chuyên ngành về công tác chứng thực và nuôi con nuôi;

+ Kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực giao dịch bảo đảm.

- Số cuộc đã ban hành kết luận: 04 cuộc còn 01 cuộc đơn vị đang dự thảo kết luận kiểm tra.

- Số tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra (đã ban hành kết luận): 20 tổ chức (trong 20 tổ chức này có 04 cá nhân vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra).

2.2. Kết quả thanh tra, kiểm tra

- Số tổ chức, cá nhân vi phạm: 20 tổ chức và 04 cá nhân.

- Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra:

+ Công khai trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản thiếu (lần 2) theo khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

+ Thu phí công chứng không đúng theo quy định.

+ Thực hiện công chứng thỏa thuận phân chia di sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử hữu; không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ.

+ Giải quyết về đăng ký khai sinh, đăng ký lại khai sinh, khai tử;

+ Giải quyết về cải chính, bổ sung hộ tịch;

+ Giải quyết về nhận cha, mẹ con;

+ Giải quyết về xác nhận tình trạng hôn nhân;

+ Không mua bảo hiểm trách nghiệm nghề nghiệp cho luật sư.

- Về xử lý vi phạm: Đơn vị đã ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành xử phạt với số tiền là 125.000.000 đổng và buộc nộp lại số tiền vi phạm hành chính 5.611.000 đồng.

- Về kinh tế: Không có.

2.3. Kết quả thực hiện kết luận quyết định thanh tra, kiểm tra

Các đơn vị và cá nhân vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra đã chấp hành  xong việc nộp phạt theo quy định.

3. Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng

Đơn vị đã ban hành Kế hoạch tiếp công dân và kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, gắn với thực hiện Cở sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2021-2025”.

Trong kỳ báo cáo, đơn vị đã phát hành 1.000 tờ rơi hỏi - đáp Luật Khiếu nại, 1.000 tờ rơi hỏi - đáp Luật Tố cáo và phát đến người dân trong các cuộc tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị.

4. Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023

Về xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022: Đơn vị đã gửi công văn đến các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp để thống nhất đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Kết quả: Không có sự trùng lắp, chồng chéo trong thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

Về thông tin từ doanh nghiệp: Đơn vị chưa nhận được phản ánh của tổ chức, đơn vị nào phản ánh về trường hợp có sự trùng lắp, chồng chéo về kế hoạch thanh tra, kiểm tra của đơn vị.

Để ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đơn vị tiếp tục gửi các cơ quan có liên quan trong phạm vi quản lý lĩnh vực của đơn vị cho các đơn vị có ý kiến và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp để các đơn vị phản hồi khi có trùng lắp đơn vị được kiểm tra. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua tại đơn vị không có khó khăn, vướng mắc.

5. Việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ

Lãnh đạo Sở Tư pháp tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/BCSĐ, Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 11/3/2019 của Ban Cán sự đảng Thanh tra tra Chính phủ trong toàn đơn vị. Về kết quả giám sát, theo dõi các cuộc thanh tra: Không có.

6. Thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài

 Theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ thì hiện nay đơn vị không có trường hợp nào khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài theo tiêu chí của Thanh tra Chính phủ.

7. Thực hiện Kế hoạch số 883/KH-UBND ngày 14/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, gắn với thực hiện Cở sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Đề án)

Đơn vị đã triển khai Đề án đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Đơn vị đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, Kế hoạch tiếp công dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đơn vị đã cập nhật đầy đủ về tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình thực hiện, đơn vị chưa có phát sinh những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đề án này.

Hàng năm đơn vị đều có xây dựng lịch tiếp công dân, có phân công công chức trực tiếp công dân thường xuyên tại đơn vị. Theo lịch tiếp công dân thì hàng tháng Giám đốc Sở trực tiếp công dân vào ngày 10 hàng tháng, ngoài ra Giám đốc Sở vẫn trực tiếp công dân đột xuất khi có người dân yêu cầu. Thông báo lịch tiếp công dân của Giám đốc Sở được đơn vị niêm yết tại đơn vị và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

Đơn vị giao cho Thanh tra Sở thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại đơn vị, tính đến thời điểm báo cáo thì đơn vị bố trí 01 công chức thực hiện nhiệm vụ này. Công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên được Giám đốc Sở quan tâm và tạo mọi điều kiện để đi tập huấn khi có công văn yêu cầu.

Đơn vị thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đãi ngộ cho công chức làm công tác tiếp công dân theo quy định.

II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

1. Tình hình khiếu nại, tố cáo

1.1. Tình hình khiếu nại, tố cáo

Trong kỳ báo cáo, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo của đơn vị không có biến động, không có phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài.

1.2. Nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo: Không có.

2. Kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo

2.1. Công tác tiếp công dân

a) Kết quả tiếp công dân: Đơn vị đã phân công Thanh tra Sở tiếp công dân thường xuyên và Lãnh đạo Sở tiếp công dân theo định kỳ và đột xuất với kết quả như sau:

- Thanh tra Sở: 03 lượt/03 người. Nội dung: Công dân đến hỏi về trình tự thủ tục khởi kiện tại tòa án nhân dân và phản ánh việc giả mạo chữ ký để thực hiện công chứng. Kết quả: Đã hướng dẫn người dân liên hệ đến các cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

- Lãnh đạo Sở:

+ Trực tiếp dân định kỳ vào ngày 10 hàng tháng, kết quả: Không có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

+ Trực tiếp đột xuất: Không có.

b) Phân loại đơn, vụ việc qua tiếp công dân: Không có.

2.2. Tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn

a) Tổng số đơn: 23 đơn.

b) Phân loại, xử lý đơn:

- Khiếu nại: 02 đơn;

- Tố cáo: 02 đơn;

- Kiến nghị, phản ánh: 19 đơn.

c) Kết quả xử lý đơn: Tất cả 23 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết (10 đơn không đủ điều kiện xử lý). Đơn vị đã xếp lưu đơn hoặc hướng dẫn người dân liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

2.3. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền

a) Kết quả giải quyết khiếu nại: Không có.

b) Kết quả giải quyết tố cáo: Không có.

c) Kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh: Không có.

2.4. Bảo vệ người tố cáo (nếu có): Không có.

III. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

1. Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong phạm vi trách nhiệm của đơn vị; việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên trong công tác phòng, chống tham nhũng

Lãnh đạo Sở thường xuyên chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và các văn bản của cấp trên. Sở và các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở duy trì thường xuyên việc triển khai Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan trong các cuộc họp chi bộ, cơ quan.

Ban hành công văn quán triệt, triển khai các nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

 Báo cáo kết quả quán triệt, triển khai các nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

b) Tổ chức, bộ máy, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện trong công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng (nếu có cơ quan, đơn vị chuyên trách)

Đơn vị phân công Thanh tra Sở thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng giúp lãnh đạo Sở theo dõi nhiệm vụ này.

c) Các hình thức cụ thể đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Đơn vị thường xuyên triển khai các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và tình hình thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vào các buổi sinh hoạt sáng thứ Hai hàng tuần.

Thường xuyên nhắc nhở Thủ trưởng các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN, trong đó trọng tâm là Chỉ thị 50 -CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 01 lớp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho 50 người.

2. Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

a) Kết quả thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động

 Đơn vị đã ban hành công văn hướng dẫn việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động và yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở thực hiện đúng theo công văn hướng dẫn này.

Đơn vị đã tổ chức thực hiện việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của Sở và chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở nghiêm túc thực hiện nguyên tắc, nội dung và hình thức công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, gắn với cải cách thủ tục hành chính. Các mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị luôn được thực hiện công khai để công chức, viên chức và người lao động được biết; về hình thức công khai là thông qua báo cáo tại Hội nghị cán bộ, công chức năm 2022 hoặc tại các cuộc họp giao ban tuần, tháng của cơ quan và gửi văn bản đăng tải lên trang thông tin điện tử của cơ quan.

Đơn vị đã cung cấp các hồ sơ công khai theo Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng để thực hiện chấm điểm theo quy định.

b) Kết quả xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Cơ quan xây dựng đầy đủ các nội quy, quy chế quy định về các định mức, tiêu chuẩn, chế độ của cơ quan, đồng thời thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của phòng, đơn vị trực thuộc và của công chức, viên chức, người lao động. Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí, tài sản công, hạn chế tình trạng lãng phí.

Qua công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, chưa phát hiện hành vi vi phạm về việc sử dụng tài chính, tài sản nhà nước sai quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã được đơn vị ban hành.

c) Kết quả thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn

Đơn vị tiếp tục thực hiện theo các Nội quy, quy tắc cơ quan đã ban hành.

Cùng với cải cách hành chính, việc thực hiện nghiêm túc các quy định theo Quy chế văn hóa công sở, chuẩn mực đạo đức của công chức, đảng viên tại cơ quan đã tạo thuận lợi, hài lòng cho các tổ chức, cá nhân khi đến yêu cầu giải quyết công việc.

d) Kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn 

Đầu năm đơn vị đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-STP ngày 13/01/2022 của Sở Tư pháp về thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức năm 2022, với số lượng dự kiến chuyển đổi là 01 công chức. Tuy nhiên, tại đơn vị chỉ có 01 công chức là Thanh tra viên phụ trách công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên đơn vị không chuyển đổi 01 công chức này mà chỉ phân công nhiệm vụ khác cho công chức này phụ trách.

đ) Kết quả thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt

Trong công tác cải cách hành chính, đơn vị tiếp tục thực hiện Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính đã ban hành.

Đơn vị đang áp dụng các phần mềm vào trong các lĩnh vực như hộ tịch, lý lịch tư pháp, tổ chức, kế toán, hệ thống văn phòng điện tử (eGov)…việc thực hiện các phần mềm này dần đi vào ổn định và phát huy hiệu quả; tăng cường cập nhật thông tin và nâng cao chất lượng, hiệu quả cổng thông tin điện tử của đơn vị, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn bản pháp luật, các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Tư pháp.

Đơn vị đã thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho 100% cán bộ, công chức nhận lương qua thẻ ATM.

e) Kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn

 Đã triển khai, tổ chức thực hiện xong trong quý IV năm 2021 việc kê khai, minh bạch tài sản thu nhập năm 2021 đối với công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp. Kết quả: Không có đơn khiếu nại, tố cáo về tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã kê khai.

3. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng

 Ban Giám đốc Sở đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt tại đơn vị không có hành vi “tham nhũng vặt” dù đơn vị là ngành có nhiều Bộ thủ tục hành chính và công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2022, đơn vị chưa phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng nào. Ngoài ra không cá nhân vụ lợi trong công tác tại Sở, không có trường hợp sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân đến liên hệ và không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2023

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo đảm bảo chính xác, đúng pháp luật. Tham gia phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu UBND tỉnh giải quyết các đơn khiếu nại phức tạp, kéo dài.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra về một số lĩnh vực công tác tư pháp thuộc phạm vi quản lý của đơn vị. Ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.

Chỉ đạo các phòng chuyên môn và đơn vị thuộc Sở nghiêm chỉnh thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục rà soát các lĩnh vực hoạt động trong Ngành để thực hiện việc công khai, minh bạch hiệu quả, đúng quy định.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức thuộc đơn vị; tập trung tuyên truyền những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng được nêu trong Nghị quyết của Đảng; Luật phòng, chống tham nhũng.

V. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT: Không có.

Trên đây là báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Sở Tư pháp./.

(kèm Phụ lục thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý IV và quý năm 2022)

Tác giả: Quản trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây